Ngày CTXH quốc tế 2011
Ngày 10/11/2011, Trường Lao động – Xã hội phối hợp với tổ chức UNICEF, tổ chức Alantic Philanthroies và Hội Dạy nghề Việt Nam tổ chức lễ kỷ niệm ngày Công tác Xã hội thế giới lần thứ 14. Đến dự, có bà Trương Thị Mai, Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội; bà Phạm Thị Hải Chuyền, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội; bà Nguyễn Thị Hằng, Chủ tịch Hội dạy nghề Việt Nam; bà Lotta Sylwander, Trưởng đại diện UNICEF tại Việt Nam; GS. Angelina Yuen, Chủ tịch Hiệp hội các trường đào tạo Công tác xã hội quốc tế; đại diện các Bộ ngành Trung ương và hơn 1.000 sinh viên…
Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền phát hiểu tại lễ kỷ niệm |
Những năm qua, trong tiến trình đổi mới đất nước, Chính phủ Việt Nam luôn thực hiện quan điêm xuyên suốt là tăng trưởng kinh tế phải tiến hành đồng thời với tiến bộ và công bằng xã hội. Mặc dù vẫn là một nước nghèo, đang phát triển nhưng các chính sách xã hội của Việt Nam đã ghi nhận được nhiều kết quả vượt bậc và được Liên hợp quốc và cộng đồng thế giới đánh giá cao, như chính sách xoá đói giảm nghèo; trợ giúp vật chất cho những gia đình thương binh, liệt sỹ, gia đình có công với cách mạng, giúp đỡ nhân dân ở các vùng thiên tai, mất mùa; chính sách bao cấp về giáo dục ở bậc tiểu học; chính sách khám, chữa bệnh miễn phí cho trẻ em dưới 6 tuổi; trợ giúp đặc biệt với các vùng nông thôn nghèo, vùng dân tộc ít người; chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ mồ, côi; trợ giúp người khuyết tật, người nhiễm HIV/AIDS, nạn nhân chất độc da cam…
Ngày 25/3/2010, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 32 phê duyệt Đề án phát triển công tác xã hội giai đoạn 2010 – 2020, chính thức công nhận công tác xã hội là một nghề. Tiếp đó, ngày 25/8/2010, Bộ Nội vụ đã ban hành Thông tư số 08 ban hành chức danh, mã số các ngạch viên chức Công tác Xã hội. Cho đến nay, đã có hơn 40 trường đại học, cao đẳng trên cả nước có đào tạo ngành CTXH. Đặc biệt, năm 2011, Trường Đại học Lao động – Xã hội đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt và cho phép tuyển sinh Chương trình liên kết đào tạo quốc tế “Thạc sỹ Công tác xã hội” giữa trường Đại học Lao động – Xã hội và Đại học Phụ nữ Philippines, nước Cộng hoà Philippines, đây là chương trình đào tạo nghề Công tác xã hội bậc Thạc sỹ đầu tiên ở Việt Nam. Bên cạnh đó, Hội Nghề công tác xã hội đã được thành lập, đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy nghề CTXH trên toàn quốc.
Bên cạnh những thành tựu đạt được, Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với nhiều thách thức trong công cuộc phát triển ngành CTXH. Theo đại diện UNICEF, điều quan trọng là phải xây dựng các chương trình đào tạo có chất lượng ở các trường đại học, cao đẳng và trung học chuyên nghiệp gồm đào tạo giáo viên và tạo cơ hội thực hành CTXH. Đồng thời, Việt Nam cần có khung pháp lý xác định rõ vai trò và chức năng của cán bộ làm CTXH ở các khía cạnh khác nhau như phúc lợi xã hội, y tế, tư pháp và giáo dục. Cần xây dựng các dịch vụ nhằm hỗ trợ và trợ giúp người dân, đặc biệt là nhóm yếu thế, trước mắt, cải thiện các dịch vụ chủ chốt như bảo vệ trẻ em, dịch vụ CTXH trong bệnh viện, dịch vụ đối với người khuyết tật, nạn nhân của xâm hại, bạo lực và mua bán người, người nhiễm HIV/AIDS…
Bên cạnh những thành tựu đạt được, Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với nhiều thách thức trong công cuộc phát triển ngành CTXH. Theo đại diện UNICEF, điều quan trọng là phải xây dựng các chương trình đào tạo có chất lượng ở các trường đại học, cao đẳng và trung học chuyên nghiệp gồm đào tạo giáo viên và tạo cơ hội thực hành CTXH. Đồng thời, Việt Nam cần có khung pháp lý xác định rõ vai trò và chức năng của cán bộ làm CTXH ở các khía cạnh khác nhau như phúc lợi xã hội, y tế, tư pháp và giáo dục. Cần xây dựng các dịch vụ nhằm hỗ trợ và trợ giúp người dân, đặc biệt là nhóm yếu thế, trước mắt, cải thiện các dịch vụ chủ chốt như bảo vệ trẻ em, dịch vụ CTXH trong bệnh viện, dịch vụ đối với người khuyết tật, nạn nhân của xâm hại, bạo lực và mua bán người, người nhiễm HIV/AIDS…