Bài học kinh nghiệm về ASXH từ Trung Quốc và Ấn Độ
Thứ trưởng Phạm Minh Huân phát biểu tại hội thảo |
Ngày 18/11/2011, tại Hà Nội đã diễn ra hội thảo chia sẻ bài học kinh nghiệm rút ra từ hai chuyến khảo sát nói trên. Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Phạm Minh Huân và bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cũng tham dự hội thảo.
Theo Thứ trưởng Phạm Minh Huân, mặc dù đã đạt được một số thành tựu quan trọng về phát triển kinh tế - xã hội trong gần hai thập kỷ qua, được quốc tế công nhận đã về trước trong việc thực hiện nhiều Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ, nhất là xóa đói giảm nghèo, nhưng cũng như nhiều quốc gia khác trên thế giới, những nguy cơ, khó khăn, thách thức mới còn rất to lớn, đã và đang đặt ra cho Việt Nam. Trong những chặng đường phát triển tiếp theo, khi đã trở thành quốc gia có thu nhập trung bình thấp, ngoài việc tiếp tục khắc phục những hậu quả của chiến tranh để lại, Việt Nam thường xuyên phải đối phó với các diễn biến ngày càng phức tạp của thiên tai, biến đổi khí hậu, dịch bệnh mới và đặc biệt là những vấn đề phát sinh do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế - tài chính toàn cầu vừa qua và trong quá trình chuyển đổi cơ cấu phát triển kinh tế hiện nay. Những bất cập của Hệ thống an sinh xã hội quốc gia đã được nhận diện bao gồm: mức độ bao phủ của hệ thống an sinh xã hội còn hạn chế; nhu cầu cơ bản của một bộ phận dân cư có khó khăn chưa được đảm bảo kịp thời; mức trợ cấp xã hội còn thấp; chưa đáp ứng đầy đủ hay chưa đảm bảo mức sống tối thiểu cho nhiều đối tượng; năng lực thực hiện của hệ thống chưa cao và khả năng tự bảo đảm ASXH của người dân còn thấp… Đây là những vấn đề mà hai đoàn khảo sát vừa qua cố gắng tìm hiểu, học học kinh nghiệm của các nước để cùng với các cơ quan, tổ chức liên quan trong nước tiếp tục nghiên cứu tìm hướng đi và giải pháp phù hợp với hoàn cảnh của Việt Nam.
Bài học kinh nghiệm từ Trung Quốc
Theo báo cáo kết quả khảo sát của đoàn công tác, tác động của chuyến khảo sát tại Trung Quốc đối với đoàn đã thành công xét về phương diện khuyến khích tư duy mới và trao đổi kinh nghiệm thực tiễn.
Cải cách ở Trung Quốc được bắt đầu từ năm 1978 nhằm mục tiêu thích ứng với quá trình hình thành và phát triển nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa mang màu sắc Trung Quốc. Đặc điểm của cải cách ở Trung Quốc là quá trình nghiên cứu và chuẩn bị triển khai thực hiện kéo dài. Khi triển khai thì bắt đầu bằng thí điểm thực hiện, rồi rút kinh nghiệm và điều chỉnh nếu cần thiết cho phù hợp với thực tiễn, sau đó mới mở rộng triển khai.
Cách tiếp cận mới của Trung Quốc trong xây dựng và phát triển chương trình trợ cấp xã hội và BHXH với mục tiêu “đến năm 2020 thực hiện ASXH toàn dân” là những bài học kinh nghiệm đối với Việt Nam trong quá trình xây dựng và hoàn thiện hệ thống ASXH giai đoạn mới 2011 – 2020. Bài học ở đây là sự phân cấp rõ ràng, trách nhiệm cụ thể giữa trung ương và địa phương.
Với qui mô dân số sống ở nông thôn khá cao (60% năm 2009) nên Trung Quốc đã thực hiện chủ trương xây dựng chính sách kinh tế - xã hội theo định hướng Tam Nông (hướng mạnh về phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân). Điển hình là triển khai thực hiện Chương trình bảo hiểm hưu trí nông thôn và Chương trình đảm bảo mức sống tối thiểu dân cư nông thôn.
Bảo hiểm hưu trí là chương trình cốt lõi của Hệ thống ASXH Trung Quốc. Bài học đối với Việt Nam ở đây là phấn đấu xây dựng một hệ thống bảo hiểm có khả năng cung cấp hỗ trợ đóng phí cho những người nghèo và cận nghèo, cho những người dân nông thôn để họ có thể tham gia hệ thống BHXH tự nguyện
Chương trình mức sống tối thiểu ở nông thôn (Địa Bao nông thôn) có mục tiêu giúp những hộ nghèo có thu nhập đầu người dưới chuẩn nghèo của địa phương hoặc dưới ngưỡng nhận trợ giúp xã hội nhằm bù đắp khoảng cách giữa thu nhập và chuẩn nghèo. Chương trình này cho chúng ta thấy một mô hình sáng tạo giúp ta có được những ý tưởng để cải cách chương trình trợ giúp xã hội và giảm nghèo ở Việt Nam.
Kinh nghiệm về an sinh xã hội từ Ấn Độ
Việc sử dụng công nghệ thông tin trong quản lý các chương trình BHXH và BHYT là một thành công rất thuyết phục đối với chúng ta, chi phí rất thấp mà hiệu quả rất cao. Bài học về mở rộng qui mô BHXH, bảo hiểm hưu trí, đặc biệt ở vùng nông thôn, bán đô thị và khu vực phi chính thức, từ thiết kế, xác định đối tượng ưu tiên, phương thức thanh toán, quản lý chi trả đến trách nhiệm giải trình và theo dõi, đánh giá là những kinh nghiệm rất đáng để các cơ quan chuyên môn của Việt Nam học tập.
Trong công tác BHYT cho người nghèo, các chương trình BHYT của Ấn Độ là các mô hình đã cho thấy tầm quan trọng của khu vực tư nhân trong việc triển khai thực hiện các chương trình của Chính phủ và cải cách BHYT của Việt Nam. Một kinh nghiệm hay nữa ở đây chính là tính hợp lý của việc cung cấp gói lợi ích ban đầu vừa phải để bao phủ được tới các đối tượng người nghèo với chất lượng dịch vụ đảm bảo vừa đầy đủ, vừa chất lượng. Sau đó, mới từng bước mở rộng gói lợi ích cho người dân, cách thức này đã làm cho người dân phấn khởi và tin tưởng vào chính sách của Chính phủ được ban hành.
Đối với lĩnh vực BHXH, cách thức tổ chức lưu trữ hồ sơ trong hệ thống hưu trí mới là một bài học tốt đối với Việt Nam, làm sao để có thể cung cấp những ưu đãi cho người lao động khu vực phi chính thức có thể tham gia hệ thống lương hưu mới, hay làm thế nào để phục vụ thật tốt, thật đáng tin cậy và không vì lợi nhuận cho người dân ở khu vực này, như vậy sẽ khuyến khích họ tin tưởng và tham gia vào hệ thống nhằm có cuộc sống đảm bảo khi về già.
Về mã số an sinh duy nhất (UID), đây là một chương trình đã chứng minh thành công của việc tạo ra UID và khuyến khích các doanh nghiệp tư nhân tham gia vào chương trình; chương trình đã cho thấy được cách thức làm thế nào để quản lý được sự tham gia này trong sự phát triển và thực hiện một chương trình lớn của Chính phủ. Đó chính là việc thành lập một cơ quan độc lập (UIDAI) với sự điều hành của các doanh nghiệp tư nhân.
Cuối cùng là chương trình việc làm công được Chính phủ Ấn Độ ban hành thông qua Luật về Bảo đảm Việc làm nông thôn (năm 2005) nhằm đảm bảo việc làm có thu nhập cho người lao động ở nông thôn. Mục tiêu chủ yếu của chương trình là giảm nghèo và tiêu chí về giới đã được đưa vào với đối tượng thụ hưởng chương trình (dành ít nhất 1/3 số việc làm này cho phụ nữ). Tất cả những việc làm này đều thực hiện ở nông thôn và nhằm phục vụ đời sống ở những vùng nông thôn nghèo. Điều chúng ta cần học tập ở đây là cách thức thiết kế, xây dựng các chương trình việc làm công, tổ chức thực hiện chương trình và thu hút người dân địa phương tham gia, chuyển đổi cách thức đầu tư (từ doanh nghiệp/nhà thầu sang người dân) để người dân có việc làm và thu nhập đảm bảo cuộc sống. Tiêu chí/định mức của chương trình là mỗi hộ gia đình với những thành viên không có việc làm sẽ được hỗ trợ có việc làm với ít nhất 100 ngày công có lương mỗi năm. Chương trình đã cho thấy tác động đầu tư của Chính phủ cho khu vực nông thôn có ý nghĩa xã hội lớn.
Theo LDXH.VN