Thuyết nhận thức - Hành vi



Thuyết nhận thức - hành vi

Quá trình hình thành lý thuyết nhận thức - hành vi

Khái niệm về nhận thức: Theo "Từ điển Bách khoa Việt Nam", nhận thức là quá trình biện chứng của sự phản ánh thế giới khách quan trong ý thức con người, nhờ đó con người tư duy và không ngừng tiến đến gần khách thể.
Khái niệm về hành vi: hành vi là xử sự của con nguời trong 1 hoàn cảnh cụ thể, biểu hiện ra bên ngoài bằng lời nói, cử chỉ nhất định.
Các quan điểm về hành vi và nhận thức xuất phát từ hai dòng tác phẩm tâm lý học có liên quan. Về mặt lịch sử, lý thuyết học hỏi xuất hiện đầu tiên và phát triển trong TLH lâm sang sử dụng trị liệu hành vi dựa trên nghiên cứu của TLH. Sheldon (1995) biểu đạt bản chất của lý thuyết này là việc tách biệt ý thức và hành vi. Các quan điểm tâm động học và quan điểm truyền thống lại cho rằng hành vi xuất phát từ một quá trình thực hiện theo ý thức của chúng ta, điều này có nghĩa là hành vi của con người xuất hiện dựa trên ý thức của họ. Nhưng lý thuyết học hỏi cho rằng chúng ta không thể biết được điều gì đang xảy ra trong ý thức của ai đó. Do đó, chúng ta chỉ có thể trị liệu tập trung đến việc giải quyết các vấn đề làm thay đổi hành vi mà không quan tâm đến những vấn đề biến đổi nào có thể xảy ra trong ý thức của chúng ta trong quá trình này.
Lý thuyết học hỏi xã hội của Bandura (1977) mở rộng thêm quan điểm này và cho rằng hầu hết các lý thuyết học hỏi đạt được qua nhận thức của con người và suy nghĩ về những điều mà họ đã trải nghiệm qua. Họ có thể học hỏi qua việc xem xét các ví dụ của người khác và điều này có thể áp dụng vào việc trị liệu.
Như vậy lý thuyết nhận thức – hành vi là một phần của quá trình phát triển lý thuyết hành vi và trị liệu, gần đây lại được xây dựng trên lý thuyết học hỏi xã hội. Nó cũng phát triển vượt qua khỏi hình thức về trị liệu của lý thuyết trị liệu thực tế (Glasser- 1965) được các tác giả như Beck (1989) và Ellis (1962) đưa ra. Lý thuyết nhận thức- hành vi đánh giá rằng: hành vi bị ảnh hưởng thông qua nhận thức hoặc các lý giải về môi trường trong quá trình học hỏi. Như vậy, rõ rang là hành vi không phù hợp phải xuất hiện từ việc hiểu sai và lý giải sai. Quá trình trị liệu phải cố gắng sửa chữa việc hiểu sai đó, do đó, hành vi chúng ta cũng tác động một cách phù hợp trở lại môi trường. Theo Scott (1989), có nhiều cách tiếp cận khác nhau như theo quan điểm của Beck là đề cập tới cách tư duy lệch lạc về bản thân (“mình là đồ bỏ đi..), về cuộc sống của chúng ta, về tương lai của chúng ta đang hướng đến những nỗi lo âu và căng thẳng; quan điểm của Ellis có trọng tâm về những niềm tin không hợp lý về thế giới và quan điểm trọng tâm của Meincheanbeum (1977) về những mối đe dọa mà chúng ta trải qua.
Được xây dựng nên từ những lý thuyết trên mà ngành công tác xã hội truyền thống đã lộ ra những bất cập và những hạn chế. Cho đến những năm 1980, các lý thuyết nhận thức mới thiết lập được một vị thế trong lý thuyết công tác xã hội chủ yếu là thông qua công trình nghiên cứu của Goldstein (1982, 1984), đây là người tìm kiếm quan điểm mang tính nhân văn vào các lý thuyết này. Quan điểm nhân văn cho rằng, chỉ có cái hiện thực là vấn đề được nhận thức và được hiểu, hiện thực của than chủ cần được tôn trọng và chấp nhận do đó không được phủ nhận nhận thức của thân chủ và công kích họ. Thành tố về sự chấp nhận này đã mang lại hiệu quả cao hơn và mang tính tự nhiên hơn so với những quan điểm truyền thống của Công tác xã hội.

Quan điểm của Sheldon về Trị liệu hành vi - nhận thức cho cá nhân
Đánh giá gần đây của Sheldon về trị liệu hành vi đã đưa ra những đóng góp về mặt nhận thức. Theo ông một thành tố quan trọng trong trị liệu hành vi chính là việc lựa chọn các yếu tố tăng cường, thúc đẩy để củng cố hành vi. Các yếu tố này cần được quan sát, khái quát hóa và mô hình hóa (học hỏi qua trải nghiệm), điều này đòi hỏi chúng ta hành động dựa trên nhận thức của chúng ta về thế giới về cuộc sống. Sheldon cũng chỉ ra việc học hỏi thông qua việc lập mô hình là nhận thức, điều này có nghĩa là chúng ta tự suy nghĩ về bản thân trong các tình huống mà chúng ta đang quan sát, chỉ ra được chúng ta hành động ra sao. Trong thực tế, việc thúc đẩy cách nghĩ như trên là rất hữu ích.
Theo ông, lượng giá là một khía cạnh quan trọng trong cách tiếp cận hành vi- nhận thức. Một chuổi hình thức lượng giá phù hợp sẽ gồm những nội dung sau:
* Đạt được sự mô tả những vấn đề từ những quan điểm khác nhau.
* Đưa ra những ví dụ về ai bị tác động và tác động như thế nào
* Tìm kiếm những hình thức khởi đầu của các vấn đề, chúng biến đổi ra sao và tác động đến chúng ở những vấn đề gì?
* Xác định những khía cạnh khác nhau của các vấn đề và chúng phù hợp với nhau ra sao?
* Lượng giá về động cơ cho sự biến đổi.
* Xác định những mô hình tư duy và những cảm xúc có trước, trong và sau những biến cố về hành vi của vấn đề.
* Xác định những điểm mạnh trong và xung quanh thân chủ.
Như vậy, ở đây, cán sự xã hội cần xác định, đánh giá các nhân tố ảnh hưởng tới thân chủ, các cán sự nên tập trung nhiều vào việc mô tả về hành vi hơn là phán xét về nó. Những vấn đề nảy sinh trong và sau quá trình can thiệp cũng cần được đo lường bởi nhiều khi “giai đoạn đối lập” sẽ xuất hiện sau một giai đoạn can thiệp và việc can thiệp lại khởi động lại thêm lần nữa. Trong quá trình trị liệu, các cán sự có thể chia làm hai nhóm để kiểm soát những phản ứng (gồm các hoạt động như mô hình hóa, đào tạo kỹ năng xã hội, sự quyết đoán…) và quản lý những vấn đề bất ngờ.
Đánh giá của Scott (1989) về cách tiếp cận nhận thức hành vi cũng tương phản với Sheldon qua việc nhấn mạnh đến những hình thức can thiệp về nhận thức. Đánh giá của ông về can thiệp nhận thức chính là việc chúng được tóm lược, có khả năng ứng dụng rộng rãi, được cấu trúc ở cấp độ cao, dễ dàng học hỏi và có hiệu quả. Ông áp dụng để đánh giá trong bốn lĩnh vực về hành vi của trẻ, rối loạn xúc cảm như lo lắng và thất vọng, các vấn đề liên quan cá nhân như vấn đề hôn nhân hay thiếu kỹ năng xã hội và những rối loạn về việc tự kiểm soát việc lạm dụng chất ma túy.


Bản chất của Thuyết nhận thức - hành vi
- Sơ lược về Thuyết hành vi: S -> R -> B (S là tác nhân kích thích, R là phản ứng, B là hành vi). Thuyết cho rằng con người có phản ứng do có sự thay đổi của môi trường để thích nghi. Như vậy, khi có 1 S sẽ xuất hiện nhiều R của con người, nhưng dần dần sẽ có 1 R có xu hướng lặp đi lặp lại do chúng ta được học hay được củng cố khi kết quả của phản ứng đó mang lại điều gì chúng ta mong đợi. Như vậy theo thuyết này thì hành vi con người là do chúng ta tự học mà có và môi trường là yếu tố quyết định hành vi. (Do trời mưa, do tắc đường nên nghỉ học…). Các mô hình trị liệu hành vi vì thế mà nhiều khi được sử dụng một cách sai lầm như phương pháp thưởng phạt. Phương pháp này gây cho đối tượng cảm giác bị áp đặt.
Thuyết nhận thức-hành vi: 
- Thuyết trị liệu nhận thức – hành vi hay còn gọi là thuyết trị liệu nhận thức (behavioral cognitive therapy) bởi nền tảng của nó là các ý tưởng hành vi hoặc là trị liệu nhận thức xã hội do sự liên kết của nó với lý thuyết học hỏi xã hội
-         Nội dung của thuyết: thuyết này cho rằng: chính tư duy quyết định phản ứng chứ không phải do tác nhân kích thích quyết định. Sở dĩ chúng ta có những hành vi hay tình cảm lệch chuẩn vì chúng ta có những suy nghĩ không phù hợp. Do đó để làm thay đổi những hành vi lệch chuẩn chúng ta cần phải thay đổi chính những suy nghĩ không thích nghi.
-         Mô hình: S -> C -> R -> B
Trong đó:  S là tác nhân kích thích, C là nhận thức, R là phản ứng, B là kết quả hành vi.
Gỉai thích mô hình: Theo sơ đồ thì S không phải là nguyên nhân trực tiếp của hành vi mà thay vào đó chính nhận thức C về tác nhân kích thích và về kết quả hành vi mới dẫn đến phản ứng R.
 Ví dụ: tâm lý của học viên khi có thông báo thanh tra xuống kiểm tra, người thì lo lắng không biết mình có bị phát hiện đi học hộ, người thì trách móc trước sự khắt khe của thanh tra, người thì nghĩ mình may mắn khi không nghỉ quá buổi học, người thì thấy đúng và ủng hộ => xuất phát từ nhận thức về tác nhân kích thích thanh tra.
-         Quan điểm về nhận thức và hành vi: 2 quan điểm
+ Theo các nhà lý thuyết gia nhận thức- hành vi thì các vấn đề nhân cách hành vi của con người được tạo tác bởi những suy nghĩ sai lệch trong mối quan hệ tương tác với môi trường bên ngoài. (Aron T. Beck và David Burns có lý thuyết về tư duy méo mó). Con người nhận thức lầm và gán nhãn nhầm cả từ tâm trạng ở trong ra đến hành vi bên ngoài, do đó gây nên những niềm tin, hình tượng, đối thoại nội tâm tiêu cực. Suy nghĩ không thích nghi tốt đưa đến các hành vi của một cái tôi thất bại.(ví dụ, đứa trẻ suy nghĩ và chắc mẩm rằng mẹ mình không yêu thương mình bằng em mình, từ đó đứa trẻ xa lánh mẹ và tỏ thái độ khó chịu với mẹ, không gần gũi…)
+ Hầu hết hành vi là do con người học tập (trừ những hành vi bẩm sinh), đều bắt nguồn từ những tương tác với thế giới bên ngoài, do đó con người có thể học tập các hành vi mới, học hỏi để tập trung nghĩ về việc nâng cao cái tôi, điều này sẽ sản sinh các hành vi, thái độ thích nghi và củng cố nhận thức.
=> Như vậy, lý thuyết này cho ta thấy rằng cảm xúc, hành vi của con người không phải được tạo ra bởi môi trường, hoàn cảnh mà bởi cách nhìn nhận vấn đề. Con người học tập bằng cách quan sát, ghi nhớ và được thực hiện bằng suy nghĩ và quan niệm của mỗi người về những gì họ đã trải nghiệm.
Như vậy, thuyết này mang tính nhân văn cao cả và đúng đắn khi đã đặt đúng trọng tâm vai trò của chủ thể con người trong hành vi của họ (khác với thuyết hành vi coi trọng yếu tố tác nhân kích thích; thuyết học tập xã hội coi trọng yếu tố thói quen hay học tập).
Copyright © 2013 Social worker and Templates - Anime OST.