Lồng ghép giới vào các hoạt động dự phòng, chăm sóc, điều trị HIV/AIDS

Ở Việt Nam hiện nay, xu hướng lây truyền HIV qua đường tình dục đang có xu hướng gia tăng. Theo đánh giá của UNAIDS tại Việt Nam, số lượng nhiễm HIV thông qua đường tình dục đã ở mức cao hơn số trường hợp nhiễm HIV qua đường tiêm chích.


Do việc lây truyền HIV qua đường quan hệ tình dục khác giới ngày càng tăng nên tỷ lệ cả nam và nữ bị nhiễm cũng tăng lên hàng năm. Tỷ suất nam, nữ bị nhiễm giảm xuống cho thấy sự gia tăng lây nhiễm HIV qua đường tình dục khác giới.
Hiện nay, khoảng 1% số người trưởng thành ở các thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng và Quảng Ninh đã bị nhiễm HIV. Ở cấp độ quốc gia, tỷ lệ hiện nhiễm HIV ở gái mại dâm đã lên đến 16%. Hơn nữa, ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy tỷ lệ nhiễm HIV ở nhóm tình dục đồng giới nam chiếm tỷ lệ khá cao.
Xuất phát từ thực tế đó, Đảng và Nhà nước ta đã và đang từng bước đưa nhận thức về giới vào các hoạt động phòng – chống HIV/AIDS. Cho đến nay, môi trường chính sách về HIV/AIDS cũng như vấn đề bình đẳng giới ở Việt Nam đã khá thuận lợi cho việc lồng ghép giới vào các hoạt động dự phòng, chăm sóc, điều trị HIV/AIDS.
Chiến lược quốc gia phòng, chống HIV/AIDS ở Việt Nam trong giai đoạn hiện nay và tầm nhìn đến năm 2020 coi hoạt động thông tin, giáo dục và truyền thông thay đổi hành vi cho thanh niên và các vấn đề liên quan đến giới là một trong những giải pháp xã hội quan trọng. Các chương trình hành động cơ bản bao gồm:
  • Một là, chương trình thông tin, giáo dục, truyền thông thay đổi hành vi phòng lây nhiễm HIV; phối hợp với các chương trình phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm để ngăn ngừa lây nhiễm HIV.
  • Hai là, chương trình can thiệp giảm tác hại dự phòng lây nhiễm HIV.
  • Ba là, chương trình chăm sóc, hỗ trợ người nhiễm HIV/AIDS.
  • Bốn là, chương trình giám sát HIV/AIDS, theo dõi, giám sát chương trình.
  • Năm là, chương trình tiếp cận, điều trị HIV/AIDS.
  • Sáu là, chương trình dự phòng lây nhiễm HIV/AIDS từ mẹ sang con.
  • Bảy là, chương trình quản lý và điều trị các nhiễm khuẩn lây truyền qua đường tình dục.
  • Tám là, chương trình an toàn truyền máu.
  • Chín là, chương trình tăng cường năng lực và hợp tác quốc tế trong phòng chống HIV/AIDS.
Hoạt động lồng ghép giới ở Việt Nam trước hết phải được triển khai ở các chương trình mục tiêu quốc gia. Quá trình triển khai chương trình này trong thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, liên quan đến tiếp cận giới, các chính sách, chương trình về HIV/AIDS ở Việt Nam vẫn còn tồn tại một số khó khăn, vướng mắc cần khắc phục.
Tóm lại, có thể khẳng định, bất bình đẳng giới trên các lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội là một trong những nguyên nhân làm gia tăng tính dễ bị tổn thương của cả nam giới và nữ giới đối với đại dịch HIV/AIDS. Cần phải đưa nguyên tắc bình đẳng giới vào tất cả các hoạt động dự phòng, chăm sóc, điều trị HIV/AIDS.

Theo LDXH
Copyright © 2013 Social worker and Templates - Anime OST.