Lồng ghép giới vào các hoạt động dự phòng, chăm sóc, điều trị HIV/AIDS

Ở Việt Nam hiện nay, xu hướng lây truyền HIV qua đường tình dục đang có xu hướng gia tăng. Theo đánh giá của UNAIDS tại Việt Nam, số lượng nhiễm HIV thông qua đường tình dục đã ở mức cao hơn số trường hợp nhiễm HIV qua đường tiêm chích.


Do việc lây truyền HIV qua đường quan hệ tình dục khác giới ngày càng tăng nên tỷ lệ cả nam và nữ bị nhiễm cũng tăng lên hàng năm. Tỷ suất nam, nữ bị nhiễm giảm xuống cho thấy sự gia tăng lây nhiễm HIV qua đường tình dục khác giới.
Hiện nay, khoảng 1% số người trưởng thành ở các thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng và Quảng Ninh đã bị nhiễm HIV. Ở cấp độ quốc gia, tỷ lệ hiện nhiễm HIV ở gái mại dâm đã lên đến 16%. Hơn nữa, ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy tỷ lệ nhiễm HIV ở nhóm tình dục đồng giới nam chiếm tỷ lệ khá cao.
Xuất phát từ thực tế đó, Đảng và Nhà nước ta đã và đang từng bước đưa nhận thức về giới vào các hoạt động phòng – chống HIV/AIDS. Cho đến nay, môi trường chính sách về HIV/AIDS cũng như vấn đề bình đẳng giới ở Việt Nam đã khá thuận lợi cho việc lồng ghép giới vào các hoạt động dự phòng, chăm sóc, điều trị HIV/AIDS.
Chiến lược quốc gia phòng, chống HIV/AIDS ở Việt Nam trong giai đoạn hiện nay và tầm nhìn đến năm 2020 coi hoạt động thông tin, giáo dục và truyền thông thay đổi hành vi cho thanh niên và các vấn đề liên quan đến giới là một trong những giải pháp xã hội quan trọng. Các chương trình hành động cơ bản bao gồm:
  • Một là, chương trình thông tin, giáo dục, truyền thông thay đổi hành vi phòng lây nhiễm HIV; phối hợp với các chương trình phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm để ngăn ngừa lây nhiễm HIV.
  • Hai là, chương trình can thiệp giảm tác hại dự phòng lây nhiễm HIV.
  • Ba là, chương trình chăm sóc, hỗ trợ người nhiễm HIV/AIDS.
  • Bốn là, chương trình giám sát HIV/AIDS, theo dõi, giám sát chương trình.
  • Năm là, chương trình tiếp cận, điều trị HIV/AIDS.
  • Sáu là, chương trình dự phòng lây nhiễm HIV/AIDS từ mẹ sang con.
  • Bảy là, chương trình quản lý và điều trị các nhiễm khuẩn lây truyền qua đường tình dục.
  • Tám là, chương trình an toàn truyền máu.
  • Chín là, chương trình tăng cường năng lực và hợp tác quốc tế trong phòng chống HIV/AIDS.
Hoạt động lồng ghép giới ở Việt Nam trước hết phải được triển khai ở các chương trình mục tiêu quốc gia. Quá trình triển khai chương trình này trong thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, liên quan đến tiếp cận giới, các chính sách, chương trình về HIV/AIDS ở Việt Nam vẫn còn tồn tại một số khó khăn, vướng mắc cần khắc phục.
Tóm lại, có thể khẳng định, bất bình đẳng giới trên các lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội là một trong những nguyên nhân làm gia tăng tính dễ bị tổn thương của cả nam giới và nữ giới đối với đại dịch HIV/AIDS. Cần phải đưa nguyên tắc bình đẳng giới vào tất cả các hoạt động dự phòng, chăm sóc, điều trị HIV/AIDS.

Theo LDXH

Tỷ lệ nghèo đói ở Mỹ Latinh giảm mạnh

Ngày 29/11, Ủy ban Liên hợp quốc (LHQ) về kinh tế Mỹ Latinh và Caribê (ECLAC) nhận định tỷ lệ nghèo đói ở khu vực Mỹ Latinh đã giảm xuống mức thấp kỷ lục trong vòng 20 năm qua.


Phóng viên TTXVN tại LHQ dẫn báo cáo "Toàn cảnh xã hội khu vực Mỹ Latinh năm 2011" do ECLAC công bố tại thủ đô Xantiagô đề Chilê (Santiago de Chile) của Chilê cho biết trong giai đoạn 1990 - 2010, tỷ lệ nghèo đói ở khu vực này đã giảm từ 48,4% xuống còn 31,4%, trong đó tỷ lệ người cực kỳ nghèo khó giảm từ 22,6% xuống còn 12,3%.

Dự báo, tỷ lệ nghèo đói ở Mỹ Latinh sẽ giảm xuống còn 30,4% vào cuối năm 2011, đồng nghĩa với việc sẽ có thêm 3 triệu người Mỹ Latinh nữa thoát nghèo. Như vậy, số người nghèo tại Mỹ Latinh sẽ giảm từ 177 triệu người xuống còn 174 triệu người. Theo ECLAC, tỷ lệ nghèo đói giảm chủ yếu do thu nhập của người lao động tăng.

Tuy nhiên, ECLAC cũng cảnh báo rằng tín hiệu lạc quan trên đang bị đe dọa bởi khoảng cách cơ cấu sản xuất trong khu vực đang bị nới rộng, các thị trường lao động chủ yếu nằm trong các khu vực năng suất thấp và không có bảo hiểm xã hội. ECLAC kêu gọi các nước Mỹ Latinh cải tổ hệ thống an sinh xã hội trong trung và dài hạn, tiến tới đặt các hệ thống bảo vệ xã hội trên cơ sở các quyền con người và các cơ chế tài chính hỗ trợ phân phối công bằng các nguồn tài nguyên.

Đã tìm được thuốc chữa AIDS

Các nhà khoa học Ural (LB Nga) đã có một phát minh quan trọng. Họ đã tìm ra được thuốc chữa đại dịch của thế kỷ: bệnh AIDS. 
Loại thuốc chữa AIDS này sẽ được kiểm tra và đưa vào sản xuất vào năm sau. 
Theo dự kiến, năm 2012 họ sẽ tiến hàng sản xuất quy mô lớn. Hiện nay, loại thuốc được cả loài người chờ đợi này, mang tên “Profital” đang ở giai đoạn cuối cùng là thử nghiệm lâm sàng trên người và tỏ ra vô cùng công hiệu. Các nhà khoa học khiêm tốn cho rằng, thuốc có khả năng giúp con người phòng tránh được nhiễm HIV kéo dài hàng tháng, trang Sbio của Nga cho hay.
Trong quá trình thử nghiệm ban đầu, người ta đã xác định rằng khi dùng thuốc bệnh nhân sẽ tránh được nhiễm virus hàng tháng trời. Để kiểm nghiệm lại những dự đoán của mình, các nhà khoa học đã chọn một nhóm người đã bị nhiễm virus làm suy giảm khả năng miễn dịch và tiến hành điều trị. Dự doán của họ hoàn toàn được khẳng định.
Người ta không phát hiện thấy bất cứ một dấu hiệu nào về sự có mặt của virus sau khi điều trị. Giáo sư Serguei Rodionov, đứng đầu nhóm nghiên cứu tuyên bố: Nhóm của ông đã sẵn sàng triển khai việc sản xuất trên quy mô công nghiệp và bán ra trên thị trường dược phẩm quốc tế.
Chất chủ đạo của thuốc là “Protein anpha” mà các nhà khoa học đã biết từ lâu. Đó là protein do bào thai sản sinh ra. Nhờ tính chất của mình, nó phong toả các phản ứng tự miễn dịch của cơ thể, và tiêu diệt các virus nằm ở bên trong tế bào.
Từ những thành công trong nghiên cứu, các nhà khoa học hy vọng 42 triệu bệnh nhân AIDS trên thế giới sẽ thoát khỏi án tử hình của căn bệnh nan y số 1 của hành tinh, trở lại với cuộc sống bình thường.
Như vậy là, việc sản xuất dược phẩm mới này sẽ được tiến hành trong tháng tới tại Novouralsk. Phòng kiểm nghiệm thuốc đã khởi công xây dựng.  Hiện nay, 40 chuyên gia nước ngoài đã đến làm việc tại khu vực giới hạn để triển khai việc lắp ráp thíêt bị, tổ chức dây chuyền sản xuất. Ngoài ra, giáo sư Rodionov cho biết sẽ tuyển lựa hàng chục sinh viên xuất sắc để đào tạo làm việc trong nhà máy. Quỹ tư nhân Skolkovo sẽ cấp học bổng để họ thực tập ở nước ngoài. 
Cơ sở sản xuất có diện tích 5.000 mét vuông, áp dụng công nghệ vi mô hiện đại.Mỗi mẻ sản xuất chỉ là 10kg “Profital”. Mỗi gam thuốc sẽ bào chế thành 30.000 liều, nếu tính thành tiền là hơn 8 triệu đôla.

Để giảm thiểu sự kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS

Theo số liệu của Cục Phòng, chống HIV/AIDS, tính đến 31/3/2010, số trường hợp nhiễm HIV ở Việt Nam hiện còn sống là 164.197 người, số bệnh nhân AIDS hiện còn sống là 37.189 và 45.227 trường hợp tử vong do AIDS.
Đã có 73,1% xã/phường, 98,7% quận/huyện và 63/63 tỉnh/thành phố có người nhiễm HIV. AIDS đã và đang tác động mạnh mẽ vào nhiều lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội của mỗi gia đình và thách thức sự phát triển bền vững của đất nước. Một trong những rào cản khiến việc phòng, chống chưa đạt hiệu quả mong muốn chính là sự phân biệt, kỳ thị đối với người nhiễm HIV/AIDS và những người có liên quan vẫn còn nặng nề.
Kỳ thị với người nhiễm HIV/AIDS là thái độ coi thường, làm mất thể diện hay không tôn trọng một người hoặc gia đình họ vì biết họ nhiễm hoặc nghi ngờ bị nhiễm HIV/AIDS. Kỳ thị có thể do các cá nhân, bạn bè, gia đình, cộng đồng và cán bộ y tế, thậm chí từ phía chính quyền gây ra với người nhiễm HIV/AIDS. Kỳ thị còn do chính người nhiễm HIV/AIDS gây ra (tự kỳ thị) vì thấy mình không được những người xung quanh chấp nhận hay mặc cảm với hoàn cảnh của mình. Những bài học kinh nghiệm trong phòng, chống HIV/AIDS cho thấy, dù ở bất cứ đâu và dù bị lây nhiễm HIV vì bất cứ lý do nào thì nếu không được xã hội tạo môi trường thuận lợi, những người nhiễm HIV thường phải dấu diếm, lẩn trốn khỏi cộng đồng. 
Phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS là bất cứ một hành vi hoặc hành động xa lánh, thiếu tôn trọng, phân biệt, trừng phạt, phỉ báng và hạn chế quyền của người nhiễm HIV/AIDS. Có hai loại phân biệt đối xử thường gặp:
- Phân biệt đối xử tùy tiện (thiếu căn cứ, thiếu suy xét) thường là hành vi có tính tự phát dựa trên sự nhận thức, phán xét của cá nhân và cộng đồng.
- Phân biệt đối xử hợp lệ (phân biệt đối xử thể chế) là hành vi được hình thành do các quy định trong văn bản pháp luật, chính sách, hoặc những quy định của các cơ quan hoặc cộng đồng.
Hậu quả của kỳ thị và phân biệt đối xử với những người nhiễm HIV là họ bị xa lánh, ruồng bỏ, bị tổn thương, không có điều kiện tiếp cận với các dịch vụ tư vấn, chăm sóc và điều trị để bảo vệ họ và những người khác và làm tăng nguy cơ lây nhiễm ra cộng đồng. Nhiễm HIV/AIDS là một quá trình kéo dài, người nhiễm vẫn có khả năng làm việc, sinh sống bình thường nếu được chăm sóc tốt. Nếu phải chịu sự kỳ thị-phân biệt đối xử thì người bệnh gặp rất nhiều rào cản trong việc tiếp cận các dịch vụ cần có và quyền được kéo dài thời gian sống khỏe mạnh.
Dưới góc độ bình đẳng giới, phụ nữ nhiễm HIV thường bị kỳ thị, phân biệt đối xử hơn nam giới do nguyên nhân nhiễm HIV/AIDS chủ yếu vẫn qua đường tiêm chích ma tuý và hành nghề mại dâm nên những phụ nữ nhiễm HIV/AIDS thường bị coi là có hành vi đạo đức không lành mạnh. Trong thực tế, nhiều phụ nữ là nạn nhân do nhiễm từ chồng, từ người yêu của mình. Hơn nữa, người phụ nữ mặc dù nhiễm HIV vẫn phải lo toan, lao động kiếm sống nuôi bản thân, gia đình và chăm sóc chồng con, chính vì vậy, hậu của của sự kỳ thị, phân biệt đối xử còn đẩy họ và gia đình suy sụp nhanh hơn

Chiến lược quốc gia Phòng, chống AIDS của Việt Nam đến năm 2010 và tầm nhìn 2020 đề ra mục tiêu đến năm 2010 phấn đấu để 90% người lớn nhiễm HIV, 100% các bà mẹ mang thai nhiễm HIV, 100% trẻ em bị nhiễm và bị ảnh hưởng bởi HIV được quản lý, điều trị, chăm sóc và tư vấn thích hợp cũng như 70% bệnh nhân AIDS được điều trị bằng các thuốc điều trị đặc hiệu.
Để đạt được mục tiêu này, Chiến lược đã xác định các hoạt động ưu tiên đối với công tác phòng, chống HIV/AIDS trong thời gian tới là tăng cường thông tin, giáo dục và truyền thông thay đổi hành vi, phối hợp các chương trình khác để ngăn ngừa, giảm, thiểu lây nhiễm HIV/AIDS; đẩy mạnh các biện pháp can thiệp giảm tác hại; tăng cường tư vấn, chăm sóc và điều trị nhiễm HIV/AIDS; tăng cường năng lực bao gồm cả quản lý, theo dõi, giám sát và đánh giá chương trình.
Theo đó, chương trình phòng, chống HIV/AIDS sẽ tiếp tục nâng cao nhận thức chung của cộng đồng về HIV/AIDS để giảm kỳ thị- phân biệt đối xử, nhất là làm rõ tác hại của kỳ thị, phân biệt đối xử; tăng cường thực thi pháp luật về HIV/AIDS và đề ra các chế tài xử lý nạn kỳ thị-phân biệt đối xử liên quan tới HIV/AIDS song song với tăng cường và mở rộng các hoạt động chăm sóc, tư vấn, hỗ trợ, điều trị cho người nhiễm HIV/AIDS và gia đình họ, đặc biệt là các hoạt động có sự tham gia của lãnh đạo cấp cao, những người có uy tín, những người nổi tiếng cũng như hỗ trợ việc nhân rộng các mô hình hoạt động có sự tham gia của người nhiễm HIV/AIDS và gia đình họ, cải thiện hình ảnh của người nhiễm HIV.

Định hướng hoạt động này cho thấy, chống kỳ thị, phân biệt đối xử trong phòng, chống HIV/AIDS rất cần đến các giải pháp truyền thông phù hợp, thích ứng để ngày càng có nhiều người nhiễm HIV được tiếp cận chăm sóc, điều trị và tham gia xây dựng cuộc sống không có HIV/AIDS.
Để làm được điều này, trước hết cần đổi mới tư duy về truyền thông. Đó là: Chuyển từ truyền thông hù dọa sang truyền thông giải thích dựa trên các cơ sở khoa học và thực tiễn. Chuyển từ việc nhấn mạnh vào con đường lây nhiễm sang nhấn mạnh hơn con đường không lây. Chuyển từ việc coi người nhiễm HIV/AIDS và gia đình họ là đối tượng sang coi họ là chủ thể của truyền thông. Chuyển từ đưa tin, hình ảnh tiêu cực về người nhiễm HIV sang đưa tin, hình ảnh tích cực về họ, cải thiện hình ảnh, tiến tới bình thường hóa sự có mặt của người nhiễm HIV trong cộng đồng. Với tư duy đổi mới, nội dung, thông điệp truyền thông sẽ tập trung giải thích để mọi người hiểu về khả năng lây truyền của HIV, nhất là làm rõ rằng HIV không lây truyền qua các tiếp xúc thông thường; giải thích về các tác hại của kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS và gia đình họ, trong đó nhấn mạnh các tác hại đối với cộng đồng, với sự phát triển kinh tế-xã hội và làm cho dịch HIV lây lan nhanh hơn; tránh các từ ngữ, lời nói, hình ảnh... có tính hù dọa, gây hoảng sợ trong dân chúng; tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật về HIV/AIDS, nhất là các quy định về chống kỳ thị,phân biệt đối xử.
Từ đó, phương pháp truyền thông sẽ được đổi mới với những công việc cụ thể như rà soát, kiên quyết thay thế các thông điệp, hình ảnh, nhất là các pano, áp phích có nội dung hù dọa hoặc gây nhầm lẫn HIV/AIDS với tệ nạn xã hội. Biên soạn lại các tài liệu, ấn phẩm truyền thông theo hướng loại bỏ các nội dung có thể dẫn đến tình trạng kỳ thị, phân biệt đối xử. 
Đa dạng hóa các phương pháp truyền thông. Lồng ghép nội dung chống kỳ thị, phân biệt đối xử vào tất cả các hoạt động truyền thông về HIV/AIDS. Tổ chức nhiều hoạt động truyền thông với sự tham gia của người nhiễm HIV đồng thời tạo điều kiện để các nhóm người nhiễm HIV/AIDS tổ chức các hoạt động truyền thông trong cộng đồng, trong trường học, tại nơi làm việc và tuyên truyền, quảng bá rộng rãi về các hoạt động này. 
Tăng cường đưa tin, quảng bá các hoạt động tích cực của người nhiễm HIV/AIDS, sự đóng góp của họ đối với cộng đồng và gia đình. Huy động sự tham gia ngày càng nhiều của các nhà lãnh đạo, các vị chức sắc và những người có uy tín, những người nổi tiếng được quần chúng mến mộ vào các hoạt động truyền thông, kết hợp với sự thăm hỏi, động viên người nhiễm HIV/AIDS...
Không chỉ dừng lại ở việc chỉ ra những con đường dẫn tới lây nhiễm HIV/AIDS mà còn chỉ ra những việc làm, những hành vi an toàn khi tiếp xúc với người nhiễm bệnh, truyền thông tích cực sẽ nâng cao nhận thức của cộng đồng về HIV/AIDS đồng thời tạo ra sự cảm thông, chia sẻ và tiến tới xóa bỏ sự kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV và bệnh nhân AIDS. Khi ấy, mọi người sẽ cùng nhau làm việc vì người nhiễm HIV như vì những người bệnh khác mà không phụ thuộc vào hành vi nào đã dẫn đến sự lây nhiễm HIV của họ. Nếu làm được như vậy, chúng ta sẽ chiến thắng được sự sợ hãi và tìm ra được những giải pháp có hiệu quả để đối phó với căn bệnh thế kỷ này.

Giải thưởng Beak kang Hàn Quốc

Chủ tịch Quỹ phúc lợi Beak kang, Bà Lê Minh Hiền và Ngài đại sứ Việt Nam tại Hàn Quốc trong lễ trao giải Beak kang 2011



Vừa qua, Quỹ Phúc lợi Beak kang đã tổ chức Lễ trao “Giải thưởng Beak kang lần thứ 11” tại khách sạn Lotte, Seoul, Hàn Quốc. Trung tâm Vì Ngày Mai – đại diện cho Việt Nam và là tổ chức quốc tế đầu tiên được vinh dự trao tặng giải thưởng “Tình nguyện phúc lợi xã hội” lần này.

Giải thưởng Beak kang do ông Chuê Sâng Uân Giám đốc Quỹ phúc lợi Beak kang thiết lập vào năm 2000. Đây  là giải thưởng được trao một năm một lần nhằm tôn vinh công lao của cá nhân hay tổ chức đã hy sinh và cống hiến thầm lặng trong lĩnh vực phúc lợi xã hội. Giải Beak kang được chia ra làm 2 hạng mục gồm giải "Cống hiến phúc lợi xã hội” và giải "Tình nguyện phúc lợi xã hội”. Giải “Cống hiến phúc lợi xã hội” là giải dành để tặng cho các cá nhân hay tổ chức có cống hiến lớn trong việc phát triển phúc lợi xã hội, giải “Tình nguyện phúc lợi xã hội” là giải dành cho các cá nhân hay tổ chức hoạt động tình nguyện tại các cơ sở phúc lợi xã hội như cơ sở chăm sóc người già, người tàn tật, trẻ em vv... Từ năm 2011, đối tượng đề cử nhận giải đã được mở rộng không chỉ ở phạm vi Hàn Quốc mà còn ở khu vực và trên thế giới.
Bà Lê Minh Hiền trao tặng bức tranh thêu phố cổ Hà Nội do chính các thanh niên khuyết tật tại Trung tâm Vì ngày mai sản xuất cho Chủ tịch Quỹ phúc lợi Beak kang
Năm nay cũng là năm đầu tiên, Trung tâm Vì ngày mai – đại diện cho Việt Nam tham dự giải và là tổ chức đầu tiên trên thế giới được nhận giải thưởng này.
Đại diện Ban tổ chức cho rằng: “Trung tâm Vì Ngày Mai được chọn bởi đây là một tổ chức xã hội thông qua việc đào tạo nghề và tạo việc làm cho thanh thiếu niên khuyết tật đã đóng góp lớn vào việc tạo ra tương lai tốt đẹp hơn để những người tàn tật có thể sống hạnh phúc và tự lập”.
Sau khi trở về từ Hàn Quốc,  bà Lê Minh Hiền – Giám đốc Trung tâm Vì Ngày mai bày tỏ sự cảm ơn chân thành tới sự quan tâm của các quỹ phúc lợi xã hội nước ngoài đặc biệt là Quỹ phúc lợi xã hội Beak kang đã ghi nhận những cố gắng, nỗ lực của các thành viên trung tâm trong thời gian qua, bên cạnh đó cũng gắn trách nhiệm nặng nề hơn nữa cho trung tâm trong việc đồng hành cùng người khuyết tật hòa nhập cuộc sống cộng đồng trong thời gian sắp tới.

Theo LDXH
Copyright © 2013 Social worker and Templates - Anime OST.