Social Work Today Magazine 11-12/2012

Nghề công tác xã hội: Không còn “áo gấm đi đêm”

Nghề công tác xã hội: Không còn “áo gấm đi đêm”
Công tác xã hội (CTXH) là nghề được xã hội trọng dụng tại nhiều nước nhưng ở Việt Nam lại khá mới mẻ, dù đã được công nhận là một nghề chuyên nghiệp và rất thiếu nhân lực, nhất là thiếu giáo viên. Chương trình tập huấn xây dựng giảng viên nguồn trong tư vấn điều trị cai nghiện, có sự tham gia của ba trường ĐH lớn vừa kết thúc, có thể xem là bước tiến chuyển giao đào tạo nghề công tác xã hội ở lĩnh vực y tế.
Nghề công tác xã hội ở ta ngày càng được chuẩn hóa
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
Đào tạo "tư vấn điều trị nghiện” cho ba trường ĐH
Nhiều tổ chức Liên Hiệp Quốc như UNDP, UNICEP, ESCAP… đặc biệt đề cao CTXH như một cách tiếp cận khoa học và thích hợp thúc đẩy quá trình phát triển xã hội ở những nước chậm phát triển. Đối với Việt Nam dù chỉ mới hình thành, quan trọng hàng đầu vẫn là phải đào tạo được đội ngũ giảng viên về CTXH cho các trường ĐH, cao đẳng và dạy nghề.
 
Mới đây bà Nguyễn Tố Như, Phó giám đốc chương trình Can thiệp cho nhóm người sử dụng ma túy, Tổ chức Sức khỏe Gia đình quốc tế tại Việt Nam (Tổ chức FHI 360 Việt Nam) cho biết, các trường ĐH Lao động Xã hội, ĐH Y Hà Nội và ĐH Xã hội và Nhân văn vừa kết thúc chương trình tập huấn xây dựng giảng viên nguồn trong lĩnh vực tư vấn điều trị nghiện. Đưa nội dung còn mới mẻ này vào giáo trình đào tạo cho sinh viên của các trường ĐH là một đóng góp đáng kể để phát triển nghề công tác xã hội còn mới mẻ ở Việt Nam, hỗ trợ việc mở rộng chương trình điều trị thay thế chất dạng thuốc phiện bằng methadone.
 
Trưởng khoa Công tác Xã hội - ĐH Lao động Xã hội Bùi Xuân Mai cho biết: "Chúng tôi đã thay đổi quan điểm nhìn nhận người nghiện là tệ nạn xã hội sang coi họ là khách hàng và là người nhận dịch vụ. Được học và hiểu biết sâu sắc về tư vấn điều trị nghiện giúp chúng tôi chuyển tải sinh động nội dung này tới các sinh viên – thế hệ tương lai làm nghề công tác xã hội. Trung tâm tư vấn nằm trong Khoa công tác xã hội của trường sẽ trở thành một cơ sở thực hành, là trung tâm kiểu mẫu trong thời gian tới”. Nội dung tư vấn điều trị nghiện là một cấu phần sẽ lồng ghép vào giáo trình công tác xã hội hiện có của trường. Cơ quan Dự phòng và Kiểm soát Bệnh tật Hoa Kỳ (CDC), Tổ chức FHI 360 chịu trách nhiệm hỗ trợ kỹ thuật sẽ sát cánh hỗ trợ trường Lao động Xã hội và các trường ĐH tiên phong trong lĩnh vực này.
 
PGS. Robert Ali thuộc ĐH Adelaide, Australia, cố vấn lâu năm cho chương trình tư vấn điều trị nghiện tại Việt Nam, cũng là giảng viên cho các lớp tập huấn và đào tạo thực hành, nhận định: Xây dựng được đội ngũ giảng viên nguồn trong lĩnh vực tư vấn điều trị nghiện là bước tiến quan trọng nâng tính chuyên nghiệp của nghề tư vấn ở Việt Nam. Công tác chuyển giao đào tạo cho các trường ĐH sẽ khiến nghề tư vấn điều trị nghiện nói riêng, nghề CTXH tại Việt Nam nói chung phát triển bền vững, khoa học.
 
Chuyên nghiệp hóa nghề công tác xã hội
Chỉ tính trong ngành y tế, tại bệnh viện, nhân viên xã hội phải là một thành phần trong ê kíp trị liệu. Họ có nhiệm vụ tìm hiểu nguyên nhân gây bệnh, phương pháp chữa trị thích hợp trên cơ sở thu thập thông tin về điều kiện sống, thói quen, cá tính, đặc điểm tâm lý của bệnh nhân. Nhân viên xã hội còn thực hiện các trợ giúp về tâm lý đối với người bệnh như trấn an, giảm áp lực, tránh xấu hổ, tư vấn về điều trị… Song ở cả 3 cấp độ hoạt động của ngành y hiện nay, tại bệnh viện, tại cộng đồng, tại cơ quan hoạch định chính sách, đều thiếu trầm trọng nguồn nhân lực CTXH chuyên nghiệp.
 
Bộ GD&ĐT ban hành chương trình khung đào tạo cử nhân ngành CTXH bậc đại học và bậc cao đẳng tạo năm 2004, nhưng phải tới năm 2010 khi Thủ tướng Chính phủ thông qua Đề án phát triển nghề công tác xã hội giai đoạn 2010- 2020, còn gọi là Đề án 32, mới tạo cơ sở pháp lý cho việc hình thành, phát triển nghề CTXH, chấm dứt cảnh CTXH như "áo gấm đi đêm”.
 
Nghề CTXH ở ta ngày càng được chuẩn hóa và đào tạo một cách bài bản. Bộ Nội vụ đã ban hành chức danh, mã ngạch viên chức công tác xã hội. Đây được coi là bước khởi đầu mở ra một nghề mới đầy triển vọng trên thị trường lao động. Tuy nhiên số lượng, chất lượng đào tạo ngành CTXH đáp ứng nhu cầu xã hội đang là thách thức lớn. Mạng lưới nhân viên và tổ chức cung cấp dịch vụ công tác xã hội hiện mỏng và thiếu tính chuyên nghiệp.
 
Cả nước hiện có chưa tới 40 trường đại học, cao đẳng đào tạo chuyên ngành này, mỗi năm tuyển sinh chỉ khoảng 2.000 sinh viên chuyên ngành CTXH. Đội ngũ giảng viên CTXH có bằng tiến sĩ và thạc sĩ rất ít, chỉ khoảng 30- 40 người. Thậm chí có trường chưa có giảng viên nào. Trong khi Đề án 32 yêu cầu có tới 60.000 cán bộ, nhân viên CTXH được đào tạo chuyên nghiệp và 35.000 cán bộ, viên chức, nhân viên và cộng tác viên CTXH được đào tạo lại....
 
Công tác xã hội là một chuyên ngành để giúp đỡ cá nhân, nhóm hoặc cộng đồng tăng cường hay khôi phục việc thực hiện các chức năng xã hội của họ và tạo những điều kiện thích hợp nhằm đạt được các mục tiêu đó. Nghề CTXH thúc đẩy sự thay đổi xã hội, giải quyết vấn đề trong mối quan hệ của con người, tăng năng lực và giải phóng cho người dân nhằm giúp cho cuộc sống của họ ngày càng thoải mái, dễ chịu. (Theo Hiệp hội nhân viên công tác xã hội Quốc tế )
 
 Theo: Thanh Như (daidoanket.vn)
Copyright © 2013 Social worker and Templates - Anime OST.